Saturday, September 24, 2022

TOÁN NGƯỜI NHÁI VULCAN

        Khi ánh mặt trời nhô lên cao trong vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin), đoàn tầu đánh cá ngư dân miền bắc, túa ra biển đông, ánh sáng phản chiếu mặt nước biển lóng lánh. Ngư dân đã quen thuộc vùng biển nơi cửa miệng sông Gianh cách Đồng Hới thành phố cuối cùng của miền bắc khoảng 40 cây số. Ngược dòng sông khoảng 1 cây số, nơi bờ phiá nam có căn cứ Hải Quân Quảng Khê của lực lượng phòng vệ bờ biển miến bắc Việt Nam.

        Ngày 16 tháng Năm 1962, khung cảnh vẫn bình thường như mọi ngày, không ai ngờ dưới mặt nước biển có chiếc tầu ngầm Hoa Kỳ USS Catfish (cá trê) đang theo dõi căn cứ Hải Quân miền bắc. Mấy hôm trước, chiếc tầu ngầm đã di chuyển từ Philippines đến cửa sông Gianh theo lệnh hành quân Wise Tiger (Con Hổ Tinh Khôn). Di chuyển ngoài hải phận quốc tế, tầu ngầm Catfish thâu thập tin tức về các tầu võ trang Hải Quân Bắc Việt.

        Trong chuyến dò thám hôm đó, tầu ngầm Catfish để ý mấy chiếc tầu võ trang chạy nhanh để tấn công Swatow, do Trung Cộng chế tạo, nồng cốt trong Hải Quân Bắc Việt. Hà Nội đã mua hơn hai tá (2x12) tầu chiến loại này trang bị cho Hải Quân để phòng thủ bờ biển từ ba năm trước. Tầu Swatow dài 83 bộ có thể gắn ba đại bác 37 ly, hai đại liên nòng đôi 14.5 ly và 8 thùng chất nổ chống tầu ngầm. Với 30 thủy thủ đoàn, tầu Swatow có thể chạy với tốc độ 18 Knot mỗi giờ và trang bị radar báo động có tầu lạ lại gần.

        Ba chiếc Swatow đang đậu trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê. Sau khi quan sát kỹ càng, tầu ngầm Catfish xác nhận cả ba chiếc Swatow đều nằm trong căn cứ Hải Quân và gửi báo cáo về Manila, Philippines, sau đó bức công điện được chuyển tiếp đến Saigon. CIA trong Saigon sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công ba tầu chiến Swatow.

        Nhiệm vụ này đã có từ lâu, kể từ tháng Ba năm 1961, cơ quan CIA đã đề nghị phá hoại các hải cảng miền bắc, như một phần trong các hoạt động bí mật, trình lên cho Tổng Thông Kennedy. Dự thảo này nẳm yên trong tủ sắt cho đến đầu mùa xuân năm 1962, khi quân đội Bắc Việt gia tăng hoạt động trong miền nam cũng như trên đất Lào, làm cho chính quyền Kennedy phải xem xét lại bản dự thảo. Hơn nữa Bắc Việt đang tiếp tục phát triển hệ thống đường mòn HCM để đưa quân đội, chiến cụ vào miền nam Việt Nam.

        Trong tháng Tư năm 1962, Đô Đốc Harry D. Felt, tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) nhắc lại lời Tổng Thống Hoa Kỳ “Sự liên hệ trực tiếp nhân-qủa” giữa các hoạt động của cộng sản trong miền nam và sự trả đũa của Hoa Kỳ nơi miền bắc Việt Nam “một vụ Việt Cộng gài mìn đường xe lửa Saigon-Đông Hà sẽ được đáp trả trong vòng một tuần lễ, Hoa Kỳ sẽ phá hỏng (dội bom) đường xe lửa Lào Kay-Hà Nội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt)” Vị Đô Đốc nghĩ rằng xử dụng phi cơ bắn phá, thả bom các mục tiêu quân sự miền bắc, nhưng điều đó khó thực hiện. Ông ta nghĩ đến việc xử dụng phương tiện khác “Cho quân biệt hải tấn công một số nhà máy, cơ xưởng dọc theo bờ biển miền bắc” Để đáp ứng với tình thế, cơ quan CIA ra lệnh thả những toán biệt kích ra miền bắc phá hoại, bắt đầu với toán biệt kích Tourbillon. Đồng thời bật đèn xanh cho đơn vị Người Nhái Hải Quân VNCH đột kích phá hoại ba tầu Swatow trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê của miền bắc.

        Các hoạt động bí mật trên biển không xa lạ đối với cơ quan CIA. Bắt đầu từ năm 1951, CIA đã xử dụng ghe, tầu gắn động cơ chở quân biệt hải Taiwan tấn công vào các mục tiêu trên đất liền (Hoa Lục) “Chúng tôi xử dụng ghe tầu như chiếc tầu mẹ, phóng ra những tầu nhỏ tấn công chớp nhoáng rồi chạy” Jack Mathews, một nhân viên CIA điều khiển chương trình kể lại “Các toán biệt hải tấn công những mục tiêu dọc theo bờ biển, đốt nhà kho bằng lựu đạn tỏa nhiệt” Trong trận chiến Hàn Quốc, cơ quan CIA cũng có những hoạt động tương tự.

        Xử dụng các chiến thuật kể trên nơi miền bắc Việt Nam, nhân viên CIA trong Saigon hình dung ra kế hoạch cho tầu ngụy trang ghe đánh cá gắn động cơ ra đến ngoài khơi tỉnh Quảng Bình, rồi từ đó cho toán Người Nhái xâm nhập (bơi vào) sông Gianh, bí mật vào căn cứ Hải Quân Quảng Khê, gắn chất nổ phá hủy ba tầu Swatow.

        Tuy nhiên, lúc đó phòng 45 chưa có quân biệt hải (và đơn vị Ngưới Nhái) cho các hoạt động bí mật trên biển. May thay hai năm trước, họ đã đưa 18 quân nhân tuyển chọn từ Lục Quân, Hải Quân và TQLC sang Taiwan học tác chiến dưới nước bốn tháng. Mặc dầu không dự trù cho các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam, họ (18 quân nhân) được chọn cho trận đột kích căn cứ Hải Quân miền bắc Quảng Khê.

        Trong tháng Tư năm 1962, phòng 45 được “mượn đỡ” bốn Người Nhái đã thụ huấn ở Taiwan. Toán biệt hải mang mật danh Vulcan, được đưa đến Đà Nẵng huấn luyện gắn chất nổ dưới gầm tầu (Swatow). Tháng sau, khi nhận được sự xác nhận của tầu ngầm Catfish về ba tầu Swatow của Hải Quân Bắc Việt, cơ quan CIA quyết định làm chuyến thử thách. Toán biệt hải Vulcan cùng mười nhân viên thủy thủ đoàn lên chiếc Nautilus 2 chạy lên phiá bắc vĩ tuyến 17. Chiếc Nautilus 2 thả neo gần cửa miệng sông Gianh, cho toán biệt hải xuống một xuồng nhỏ chạy vào bờ do thám. Sau khi quan sát mục tiêu, họ chạy trở về chiếc tầu mẹ.

        Đại Úy Hà Ngọc Oanh, đã làm việc cho phòng 45 được hai năm dưới mật danh Antoine, lặng lẽ nhìn quanh bàn rồi bốn Người Nhái Vulcan. Đó là toán biệt hải đầu tiên dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông ta. Khi lệnh cuối cùng đến ngày 28 tháng Sáu, tấn công mấy chiếc tầu Swatow, Antoine lên thời khóa biểu cho lần thuyết trình cuối cùng, có thêm hai nhân viên CIA tham dự. Ông ta thông ngôn lệnh hành quân cho quân nhân VNCH, xử dụng tấm không ảnh chụp căn cứ Hải Quân Quảng Khê trước đó mấy hôm. Đằng sau lung ông ta là tấm bản đồ với những mũi tên lớn vạch ra đường xâm nhập và đường rút lui ra tầu lớn (Nautilus 2).

        Bốn biệt hải lắng nghe. Từ chiếc tầu lớn Nautilus 2, họ sẽ xuống một tầu nhỏ bằng gỗ rồi chạy vào cửa sông Gianh. Bức không ảnh cho biết chỉ có ba chiếc tầu Swatow trong căn cứ Hải Quân (miền bắc) Quảng Khê, do đó chỉ cần ba người nhái bơi vào. Người nhái thứ tư Nguyễn Chuyên ở lại trên tầu gỗ làm thành phần trừ bị (dự trù). Ba người nhái bơi vào đặt mìn dưới gầm tầu Swatow rồi bơi trở về chiếc tầu gỗ rối tất cả quay trở về tầu mẹ Nautilus 2.

        Lúc đó vừa qúa nửa đêm buổi thuyết trình hành quân, nhiệm vụ chấm dứt. Mọi người được cố vấn Hoa Kỳ đãi tiệc tiễn đưa, họ ăn uống cho đến sáng ngày hôm sau. Sau đó toán biệt hải Vulcan (phải) vào khu cấm (cách ly) trước khi lên đường để giữ bí mật. (Không ai được liên lạc với gia đình, bạn bè,…)

        Đúng 20:30 (8 giờ rưỡi tối) ngày 29 tháng Sáu, toán biệt hải Vulcan được đưa ra bến tầu, lên chiếc Nautilus 2 cùng với hơn một chục người thủy thủ đoàn. Antoine (Đ/Úy Hà Ngọc Oanh) đưa cho viên thuyền trưởng một nắm cờ nhỏ, căn dặn vài điều, bắt tay, chúc may mắn.

        Chạy suốt đêm và cả ngày hôm sau, chiếc Nautilus 2 đã được ngụy trang tầu đánh cá ngoài bắc hòa nhập với các tầu khác ngoải biển đông. Tối hôm sau họ đến gần mục tiêu, màn đêm bao trùm bờ biển. Trước nửa đêm ngày 30 tháng Sáu, tầu Nautilus ngừng máy, hai thủy thũ hạ chiếc xuồng gỗ nhỏ xuống nước biển rồi ngồi vào. Bốn người nhái mặc đồ lặn (Scuba) mỗi người đem theo một qủa mìn leo lên xuồng gỗ nhỏ, chiếc xuồng con từ từ rời tầu mẹ tiến vào bờ.

        Mười lăm phút sau, một trong bốn người nhái Lê Văn Kính có thể nhìn thấy rõ bờ sông Gianh. Trong bóng đêm, ba người nhái trong toán Vulcan điều chỉnh thời nổ hai tiếng đồng hồ, đủ thời gian cho họ bơi vào mục tiêu gài qủa mìn, rồi bơi trở lại chiếc xuồng gỗ. Kính là người đầu tiên xuống nước, sửa lại kính che mắt, gắn ông thở vào miệng, người thứ hai theo sau là Nguyễn Văn Tâm. Người nhái cuối cùng xuống nước là Nguyễn Hữu Thao, một người theo đạo Công Giáo gốc.

        Trên bong tầu chiếc Swatow số 185, một binh sĩ canh gác nghe tiếng động lạ, gợn sóng dưới gầm tầu. Nhìn xuống nước tối đen như mực anh ta không thấy gì, nhưng báo cáo cho thuyền trưởng Đại Úy Hồ Ngọc Minh. Dẫn theo mấy thủy thủ đi lại đuôi chiếc tầu, ông ta chồm người ra quan sát, cũng không thấy gì.

        Trong vũng nước cùng với dầu nhớt chiếc Swatow, Nguyễn Hữu Thao đang gắn qủa mìn vào gầm tầu. Nghe tiếng chân nhiều người trên bong tầu, anh ta hoảng hốt. Hải Quân miền bắc sau này ghi lại “quân biệt kích đang gắn qủa mìn, sửng sốt khi nghe nhiều tiếng động ở trên bong tầu. Qủa mìn phát nổ sớm hơn giết chết anh ta ngay tức khắc.”

        Kính, người nhái đầu tiên xuống nước đã gắn xong qủa mìn, bơi ra khỏi chếc Swatow khoảng 20 mét ngoi đầu lên quan sát. Đúng lúc đó, qủa mìn của Thao phát nổ sớm do bất cẩn, làn sóng nước đập mạnh vào đầu, toàn thân của Kính. Hai chân người nhái Kính bị tê (liệt), trôi dật dờ trên mặt nước. Vẫn còn tỉnh táo, Kính quan sát biết được chiếc Swatow bị hư hại nặng, và quân Bắc Việt sẽ đổ xô ra đông đảo trong khu vực.

        Ngồi đợi trên chiếc tầu đỗ nhỏ, Nguyễn Chuyên cùng với hai thủy thủ nhìn thấy qủa mìn nổ tỏa áng sáng trong bầu trời đêm tối. Chỉ ít phút sau Bắc Việt trông thấy chiếc tầu gỗ nhỏ bập bềnh sau những làn khói, ánh lửa. Hoảng hốt khi nghe tiếng động cơ tầu Swatow, họ không chờ cho ba người nhái bơi trở về, bỏ chạy ra tầu Nautilus 2. Chuyên bắn trả lại chiếc tầu địch đang đuổi theo, và bị trúng đạn trước khi về đến chiếc Nautilus 2.

        Còn lại một mình cố nén cơn đau, Kính bơi vào bờ trốn trong đám lau sậy. Cởi bỏ bình hơi, bộ quần áo lặn (Scuba), Kính đợi cho mọi chuyện lắng xuống, sẽ tìm cách quay trở về miền nam. Trong vòng một tiếng đồng hồ, lực lương an ninh miền bắc tìm ra anh ta, đánh cho mềm người, kéo lết đi… sau đó anh ta nghe thêm một tiếng nổ lớn của qủa mìn thứ hai từ một khoảng cách xa vọng lại.

        Trong khi đó, người nhái thứ ba Nguyễn Văn Tâm được may mắn hơn chút đỉnh. Sau khi gắn xong qủa mìn, anh ta bơi trở lại chiếc tầu gỗ nhỏ, rồi thì qủa mìn thứ nhất phát nổ bất ngờ, Tâm bị bỏ rơi giữa sóng nước mênh mông. Quan sát xung quanh, Tâm bơi lại một chiếc tầu nhỏ đang thả neo, leo lên rồi bị dân quân tự vệ bắt.

        Căn cứ Hải Quân Quảng Khê nổ bùng lên, chiếc Swatow 185 (Chuyên) bị chìm nhanh chóng. Chiếc Swatow 161 nổ máy chạy nhanh ra khỏi căn cứ, tìm kiếm tầu địch (VNCH), đuổi theo chiếc tầu gỗ nhỏ, bắn chìm chiếc tầu gỗ. Chiếc Nautilus 2 vừa bắn trả vừa chạy về hướng nam tẩu thoát. Ba tiếng đồng hồ sau, lúc 06:00 (6 giờ sáng), đại bác 37 ly trên chiếc Swatow 161 bắn trúng ngăn chứa động cơ tầu Nautilus 2. Nautilus 2 nằm chờ chết trong khi chiếc Swatow 161 chạy quanh bắn “cho tan xác” chiếc tầu chở điệp viên, biệt kích VNCH. Người Nhái Nguyễn Chuyên cùng với một thủy thủ đoàn trúng đạn chết.

        Sau đó chìéc Swatow lục soát xung quanh những mảnh ván từ chiếc Nautilus 2 đang nổi dật dờ trên biển, lôi lên 10 thủy thủ đoàn, bịt mắt bắt làm tù binh. Họ không ngờ thủy thủ Nguyễn Văn Ngọc vẫn còn sót lại, anh ta trôi trên biển về hướng nam vĩ tuyến 17 và được cứu thoát.

        Ngày 21 tháng Bẩy, Hà Nội đưa hai người nhái Kính, Tâm (Chuyên, Thao chết) cùng các thủy thủ tầu Nautilus 2 bị bắt ra trước tòa án. Đó là vụ án biệt kích thứ hai bị đưa ra tòa, có người bị án tù chung thân…

 PHÁ HOẠI

        Vấn đề ngoại giao người Hoa Kỳ bị tai tiếng sau vụ thất bại của toán biệt kích người nhái Vulcan. Hiệp định Genèva trung lập hóa nước Lào có hiệu lực kể từ ngày 6 tháng Mười năm 1962. Chính quyền Kennedy, theo đúng tinh thần bản hiệp định phải ngừng tất cả các hoạt động “gây hấn”, các nhóm cố vấn Hoa Kỳ ở Lào chỉ có thể giúp đỡ quân đội Hoàng Gia Lào trong vấn đề phòng thủ chống lại quân cộng sản (Phathet Lào và Bắc Việt). Tương tự, các toán biệt kích cơ quan CIA thả ra ngoài bắc được lệnh nằm yên, ngừng các nhiệm vụ phá hoại.

        Nhưng chỉ một tháng sau, các phân tích gia CIA báo cáo, trong số 9,000 lính Bắc Việt và cố vấn (cho quân đội Lào) ở bên Lào trước khi hiệp định Genèva được ký kết, chỉ có 40 “chuyên gia” chính thức được rút về nước (Bắc Việt) trước ngày hiệp định có hiệu lực (06/10/1962). Các chuyên gia CIA ước chừng khoảng 6,000 quân Bắc Việt ở lại trên đất Lào bất hợp lệ.

        Bản hiệp định mong manh càng “xuống giá”, ngày 22 tháng Mười Một, một ổ súng phòng không Lào bắn rơi một phi cơ C-123 của Air America chở đồ cứu trợ nhân đạo. Hai nhân viên phi hành Hoa Kỳ từ nạn. Một cuộc điều tra cho biết, các xạ thủ Lào công khai thân cộng sản Pathet Lào và phong trào giải phóng của cộng sản, đồng minh của Hà Nội.

        Khi nền hòa bình của nước Lào từ từ tan biến đi, tình hình miền nam Việt Nam cũng trở nên bết. Sau một mùa hè chống nổi loạn thành công năm 1962, quân đội miền nam (VNCH) thất bại trong mùa thu, và đến tháng Mười Hai nhiều quan sát viên bi quan về sự dài lâu của miền nam.

        Những người làm ra chính sách ở Washington thường bị mất mặt. Cơ quan CIA, phòng 45 được phép thực hiện trở lại các hoạt động bí mật chống miền bắc Việt Nam. Đầu tiên họ ra lệnh cho toán biệt kích Tourbillon tiếp tục nhiệm vụ phá hoại. Theo như những công điện truyền tin báo cáo của toán biệt kích, họ nằm yên sau khi phá xập một chiếc cầu trong tháng Bẩy. Đã chứng tỏ “khả năng”, trong tháng Mười Hai toán Tourbillon được lệnh phá một chiếc cầu khác, cách chếc cầu trước hơn hai mươi cây số về hướng tây. Ngày 8 tháng Mười Hai họ báo cáo đã hoàn tất nhiệm vụ.

        Nếu Saigon cho phi cơ ra miền bắc thám thính chụp ảnh chiếc cầu để kiểm chứng báo cáo của toán biệt kích, họ sẽ đưọc biết cầu Tà Vại bắc ngang qua đường số 6 thực sự bị hư hại. Chính quyền miền bắc thực sự cho phá chiếc cầu để lấy sự tin tưởng của Saigon.

        Sự “thành công” của toán biệt kích Tourbillon gây sự tin tưởng cho chương trình thả dù các toán biệt kích nằm vùng dài hạn nơi miền bắc Việt Nam (chương trình 34A). Saigon chuẩn bị toán kế tiếp mật danh Lyre, trao cho hai nhiệm vụ phá hoại và thâu thập tin tức tình báo. Toán Lyre sẽ phải chia thời gian theo dõi, quan sát đường và lấy tin tức tình báo từ dân chúng điạ phương.

        Như hai lần trước đó, toán biệt kích Lyre tuyển chọn quân biệt kích trong số người bắc di cư theo đạo Công Giáo. Hai toán trước Echo và Atlas thất bại, nhưng lần này hy vọng toán Lyre sẽ hot động lâu dài hơn, xâm nhập gần đèo Ngang. Ngọn đèo này dài 26 cây số dọc theo bờ biển, từ căn cứ chứa tầu Swatow (bị toán người nhái Vulcan tấn công) lên. Theo Hà Nội khu vực xung quanh đèo Ngang có nhiều làng Công Giáo.

        Vì lý do đèo Ngang nằm dọc theo bờ biển, cơ quan CIA quyết định cho quân biệt kích đổ bộ bằng tầu từ biển vào, phát xuất từ Đà Nẵng. Vấn đề thay đổi phương pháp xâm nhập, nhẩy dù hay đổ bộ từ biển vào kết qủa không khác. Khi toán biệt kích xâm nhập đêm 29 tháng Mười Hai, bị một đồn biên phòng nơi bờ biển phát giác gần như tức khắc. Năm người trong toán biệt kích Lyre bị bắt trong vòng ột ngày, hai biệt kích còn lại định tẩu thoát về hướng nam vĩ tuyến 17 vùng phi quân sự,  bị bắt vào cuối tuần.

        Đối với Saigon, sự thất bại của toán biệt kích Lyre cộng thêm với tin xấu trên chiến trường. Ngày 2 tháng Giêng năm 1963, ba tiểu đoàn VNCH tấn công một đơn vị VC cấp nhỏ hơn gần Ấp Bắc bị tổn thất nặng, cùng mới một đại đội (chi đội) thiết vận xa M-113, và năm trực thăng Hoa Kỳ. Tám mươi (80) quân nhân VNCH cùng ba cố vấn Hoa Kỳ tử trận.

        Đối phó với tình trạng xuống tinh thần, chương trình các hoạt động bí mật của cơ quan CIA chống miền bắc Việt Nam thay đổi nhiều về mặt tổ chức. Các toán biệt kích trước đó có nhiệm vụ chính là theo dõi, dò thám đường, thâu thập tin tức tình báo, thỉnh thoảng mới được lệnh phá hoại. Theo thời khóa biểu mới, hầu hết nhiệm vụ cho các toán biệt kích là phá hoại. Chính quyền Hoa Kỳ muốn gia tăng áp lực đối với chính quyền Hà Nội.

        Washington bắt đầu chuyển hướng từ Lào sang Việt Nam, các nỗ lực phá hoại cũng chuyển hướng tập trung nơi miền bắc Việt Nam thay vì những mục tiêu liên hệ với Lào, như việc phá xập cầu trách nhiệm dành cho toán biệt kích Tourbillon. Các mục tiêu mới lien quan vấn đề kinh tế, đường xá giao thông liên hệ đến guồng máy chiến tranh của Hà Nội.

        Toán biệt kích cho nhiệm vụ phá hoại trong năm mới là toán Tarzan gồm năm quân nhân, nhẩy dù xuống quận Tuyên Hóa trong tỉnh Quảng Bình. Khu vực này toán biệt kích Echo đã nhẩy dù xuống trước đó hai năm. Đêm ngày 6 tháng Giêng, toán Tarzan lên chiếc C-54 trong phi trường Tân Sơn Nhất, do phi công Taiwan lái, bay lên hướng bắc. Toán Tarzan nhẩy dù xuống an toàn và lên máy báo cáo về Saigon.

        Việc thả toán biệt kích Tarzan có vẻ thành công, cơ quan CIA bắt đầu “sản suất hàng loạt”. Trong khi các công tác phá hoại gia tăng nơi miền bắc Việt Nam, nửa vòng trái đất đến một nước cộng sản khác là Cuba. Tổng Thống Kennedy trả lời cho vụ đổ bộ vịnh Con Heo thất bại trong tháng Mười năm 1962, hứa hẹn sẽ không xử dụng sức mạnh quân đội lật đổ chế độ độc tài Fridel Castro. Tuy nhiên, Washington vẫn thúc đẩy chương trình phá hoại chống Cuba. Theo lời Desmond FutzGerald, một viên chức cao cấp CIA trong “đặc nhiệm Cuba”, ông ta (Tổng Thống Kennedy) muốn”một hành động phá hoại lớn trong mỗi tháng”

        Cũng như ở Cuba, CIA điều hành các hoạt động phá hoại nơi miền bắc Việt Nam theo kế hoạch hàng tháng. Ngày 12 tháng Tư, toán biệt kích Pegasus gồm sáu người dân tộc thiểu số người Thổ nhẩy dù xuống tỉnh Lạng Sơn. Mục tiêu dành cho họ là một trong hai tuyến đường sắt (rầy xe lửa) quan trọng, từ ìên giới Trung Hoa về đến Hà Nội. Ngồi ở Saigon, nhân viên CIA đợi công điện báo cáo của toán biệt kích, không có tin tức gì về toán biệt kích Pegasus.

        Tháng sau cũng có một toán biệt kích bay lên hướng bắc, cũng biến mất, không lên máy liên lạc về Saigon.

        Không màng chuyện mất hai toán biệt kích (không liên lạc), Saigon bắt đầu “tổng tấn công” ngày 4 tháng Sáu. Một kỷ lục, ba toán biệt kích đã sẵn sàng lên đường xâm nhập đêm hôm đó. Tuy nhiên loại phi cơ C-54 do phi công Taiwan lái không đủ chỗ cho cả ba toán đi cùng lúc, do đó chiếc C-54 thứ hai không phù hiệu được gửi sang Saigon tăng cường trong một tháng. Chiếc thứ hai này hoàn toàn quân sự (Không Quân Taiwan) chở bớt một toán, chiếc cũ (cơ hữu) chở hai toán. Sáng sớm ngày 5 tháng Sáu hai phi cơ C-54 trở về Tân Sơn Nhất an toàn. Tuy nhiên chỉ có một toán (trong ba toán biệt kích) là toán Bell lên máy báo cáo về Saigon.

        Ba ngày sau, c quan CIA làm cú nữa, cho hai toán biệt kích lên phi cơ C-54 thả dù xuống trong hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Cả hai biến mất không báo cáo về Saigon. Hai ngày sau, thêm hai toán biệt kích lên C-54, nhẩy dù xuống Hà Tĩnh và Nghệ An. Thêm hai toán biệt kích biến mất nơi miền bắc Việt Nam.

        Chỉ có hai toán trong số mười toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc được xem như thành công, cơ quan CIA tạm ngưng việc thả các toán biệt kích ra miền bắc. Lúc đó, cơ quan CIA có phương tiện tốt hơn (để phóng đi các toán biệt kích) hy vọng tình thế thay đổi. Từ tháng Chín trước đó, cơ quan CIA đã tìm phương tiện khác (phi cơ) để thay thế loại phi cơ C-54, đó là loại phi cơ C-123 có cửa hậu mở rộng cho kiện hang tiếp liệu cùng với quân biệt kích nhẩy ra nhanh chóng trong vòng vài giây đồng hồ, đỡ bị phân tán, thất lạc.

        Loại phi cơ C-123 vẫn có một nhược điểm, không chối cãi được. Không như hai loại C-47, C-54 được dùng trong ấn đề thương mại, chở hành khách dân sự cho các hãng hàng không trên thế giới. Phi cơ C-123 chỉ xử dụng trong quân sự, do đó trường hợp bị bắn rơi ngoài bắc, người Hoa Kỳ không thể chối cãi được.

        Dầu sao đi nữa, cơ quan CIA vẫn xử dụng loại phi cơ C-123, cơ hội thành công tăng lên. Bay loại phi cơ này, một lần nữa CIA tuyển mộ phi công Taiwan. Vì loại C-123 dùng trong quân sự nên các phi công Taiwan lần này tuyển mộ từ phi đội 34 Không Quân Taiwan. Các phi công trong phi đội “đặc biệt” này đã từng bay những chuyến thả biệt kích xuống Hoa Lục trong năm 1955. Tất cả 15 phi công, 10 định hướng viên, 5 chuyên viên cơ khí được đưa qua căn cứ Không Quân Pope tiểu bang North Carolina. Họ hoàn tất việc huấn luyện, trở về Taiwan trong tháng Mười Hai, chờ cho đến tháng Hai năm 1963, khi năm (5) chiếc C-123 mầu xám không phù hiệu đến hòn đảo Taiwan.

        Sau đó, các phi công Taiwan được huấn luyện bay dưới cao độ thấp trong ba tháng kế tiếp, phi hành đoàn Taiwan được người Hoa Kỳ huấn luyện đặc biệt về máy móc điện tử, phá rối hệ thống phòng không của địch (miền bắc Việt Nam). Sau khi hoàn tất, mọi việc huấn luyện, ngày 15 tháng Sáu họ bay qua Tân Sơn Nhất.

        Mười bẩy (17) ngày sau, phi hành đoàn Taiwan cùng với phi cơ C-123 nhận công tác đầu tiên, thả toán biệt kích hoàn toàn người Việt đầu tiên, tám (8) người có mật danh là Giant. Viên phi công Taiwan kể lại “Chúng tôi bay ra vịnh Bắc Bộ (Tonkin), lên đến Vinh. Tôi có thể nhìn thấy ánh sáng thành phố, rẽ lên hướng bắc, sau đó đổi sang hướng tây cho đến khi có thể nhìn thấy rặng núi. Toán biệt kích nhẩy ra cửa đuôi phi cơ, chúng tôi quay về miền nam dọc theo bờ biển.” Trong Saigon, nhân viên CIA dò tìm làn sóng toán biệt kích Giant, toán này cũng biến mất luôn, không lên máy báo cáo.

        Hai ngày sau, hai toán biệt kích khác đã sẵn sàng lên đường. Toán thứ nhất pha trộn mấy sắc dân thiểu số, mật danh Packer dự trù xâm nhập tỉnh Yên Bái nơi hướng chính bắc. Hy vọng toán này sẽ lập lại sự thành công như toán Bell đã nhẩy dù xuống trước đó. (toán duy nhất liên lạc trong mùa hè vừa qua). Cũng như toán Bell, năm biệt kích trong toán Packer có nhiệm vụ phá hoại đường rầy xe lửa chạy ngang qua thành phố. Trưởng toán Packer là Ngô Quốc Chung gốc người thiểu số Tầy đã chiến đấu trong trận Điện Biên Phủ, mất một mắt, và gần một bàn tay, chống cộng quyết liệt, anh ta không nhận mình là người tật nguyền “Tôi chiến đấu với họ bằng một tay.” Toán biệt kích thứ hai, ba biệt kích dân thiểu số Mường sẽ nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Europa trong tỉnh Hòa Binh (nơi người Mường sinh sống từ lâu đời.).

        Lúc đó, nhóm phi công Taiwan đầu tiên (hãng hàng không China Airline lái C-54) đã sắp hết hạn giao kèo, nên được trao cho nhiệm vụ chót. Cả hai toán biệt kích lên chiếc C-54, họ dự trù bay lên Yên Bái trước thả toán biệt kích Packer. Đến mục tiêu, năm biệt kích toán Packer nhẩy ra, chiếc phi cơ bay vòng ngược chiều kim đồng hồ đi Hòa Bình. Chiếc phi cơ bay thấp tránh mây … biến mất trước khi đến mục tiêu thứ hai trong tỉnh Hòa Bình.

        Chuyện mất phi cơ C-54 cùng phi hành đoàn Taiwan không đơn giản như đối với người Việt, nhân viên CIA cố gắng tìm nguyên nhân chiếc phi cơ bị rơi. Họ cho rằng chiếc C-54 đâm vào núi nhưng miền bắc không nói gì về chuyện phi cơ lâm nạn… Toán biệt kích Packer nhẩy dù xuống Yên Bái cũng mất tích không lên máy báo cáo.



       Vẫn chưa nản chí, Saigon chuẩn bị cho thêm một toán ra miền bắc. Mật danh Dragon, tuyển mộ từ sắc dân thiểu số Nùng, họ nổi tiếng trung thành, có truyền thống chống cộng. Mục tiêu cho toán Dragon là khu vực cực đông bắc giáp biên giới Trung Cộng, trong tỉnh Quảng Ninh. Cũng như điệp viên Ares, toán biệt kích Dragon bẩy người sẽ xâm nhập bằng tầu ngụy trang đánh cá. Tuy nhiên gặp lúc thời tiết xấu, toán Dragon lên đường năm lần, cả năm lần phải quay trở về. Lần cuối cùng ngày 15 tháng Bẩy, quân biệt kích Dragon từ tầu mẹ, xuống xuồng nhỏ chạy vào bờ… họ biến mất, không biết tăm tích ra sao?
        Kể cả toán Dragon, cơ quan CIA đã gửi ra miền bắc tất cả 13 toán biệt kích trong vòng bẩy tháng. Trong số 13 toán, chỉ có một toán lên máy báo cáo tính đến tháng Bẩy, mười hai toán kia coi như nằm trong tay địch quân hoặc đã bị giết. Tất cả những hoài nghi về số phận các toán biệt kích được trả lời gián tiếp, ngày 9 tháng Bẩy, Hà Nội tuyên bố đưa toán biệt kích Pegasus ra tòa lãnh án. Trong vòng ba tháng, Hà Nội đưa tất cả năm toán biệt kích ra tòa.
        Hiền nhiên, chiến dịch (phá hoại min bắc Việt Nam) do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA thực hiện bị thất bại, không đạt hiệu qủa. Ngay cả chiến thuật “Tổng Tấn Công” (làm cho địch bối rối, đỡ đòn không xuể), cho nhiều toán biệt kích xâm nhập trong cùng một đêm. Theo các chuyên gia, phân tích gia, có nhiều lý do cho sự thất bại này. Thứ nhất, vài bãi thả dù được lựa chọn  qúa tồi (bết). Vài trường hợp toán biệt kích nhẩy dù xuống bãi đáp qúa gần làng mạc rồi bị dân làng phát giác ngay tức khắc. Thí dụ, toán biệt kích Tellus, nhẩy dù xuống tỉnh Ninh Bình ngày 8 tháng Sáu, bị phát giác khi còn lơ lửng trên trời, đang từ từ đáp xuống bên cạnh một nông trại. Tất cả bốn biệt kích trong toán bị bắt trong vòng 25 phút. Trường hợp toán Packer còn khó khăn hơn nữa, đáp xuống ngay giữa ngôi làng, nhân viên truyền tin rơi xuống căn nhà chung, dân làng đang hội họp.
        Lý do thứ hai đưa đến sự thất bại, là sự mở rộng chương trình (chậm trễ) trong hai năm 1961, 1962, đủ thời gian cho lực luợng an ninh miền bắc củng cố, nghiên cứu chiến thuật truy lùng quân biệt kích. Đến khi CIA ra lệnh cho các toán biệt kích phá hoại trong tháng Tư năm 1963, miền bắc dễ dàng đáp ứng với tình thế. Một bằng chứng về hiệu qủa của lực lượng an ninh miền bắc là trong mười một (11) toán biệt kích nhẩy dù ra ngoài bắc tính cho đến tháng Bẩy, mười toán bị bắt trong vòng hai ngày.
        Phần lớn các toán xâm nhập lấy tin tức tình báo, thường đầu hàng dễ dàng, các toán nhẩy dù ra sau này với nhiệm vụ phá hoại, trang bị đầy đủ, kháng cự quyết liệt gây thương vong cho địch quân (Bắc Việt). Trường hợp kể trên xẩy ra, họ xử tử lính biệt kích ngay tại chỗ.
        Lực lượng an ninh miền bắc cũng để ý sự liên hệ giữa quân biệt kích và đạo Công Giáo. Sau khi năm toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc, tìm cách bắt liên lạc với nhà thờ, xóm đạo Công Giáo (hai toán Tellus và Bart nhẩy dù xâm nhập trong tháng Sáu, mới nhất), chính quyền Hà Nội bắt đầu tảo thanh các nhà thờ họ nghi ngờ có liên hệ với quân biệt kích.
        Bề ngoài, chế độ Hà Nội tức tối vì chủ quyền không phận bị xâm phạm… một cách liên tục! Đúng! Trong tháng Bẩy năm 1961, họ bắn rơi chiếc phi cơ C-47 (Trung Úy Phan Thanh Vân), nhưng sau đó cả hai năm họ không làm được gì hơn, và không phận miền bắc Việt Nam vẫn tiếp tục bị xâm phạm… đều đều!
        Đến tháng Mười Hai năm 1962, chế độ Hà Nội đã hết kiên nhẫn. Xử dụng toán biệt kích (đã bị ép làm việc “Hai Mang”) Europa làm mồi nhử, bốn trung đội đại liên phòng không 14.5 ly di chuyển vào vị trí trên những ngọn đồi gần Hòa Bình. Trong vòng hai tuần lễ, quân Bắc Việt quan sát, theo dõi bầu trời và chờ đợi. Nhưng họ không ngờ, hiệp định Genèva trung lập hóa nước Lào, do đó chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh ngưng các chuyến bay ra miền bắc Việt Nam.
        Trong thời gian CIA “tổng tấn công” khoảng giữa năm 1963, chính quyền Hà Nội lại đem toán biệt kích kém may mắn Europa ra làm mồi nhử. Lần này họ tổ chức quy mô hơn, với 10 đại đội phòng không bố trí trên các ngọn đồi xung quanh Hòa Bình.
        Không biết các ổ súng phòng không đang chờ đợi, một phi công Taiwan lái chiếc C-123 chất đầy đồ tiếp liệu, quân biệt kích ra tăng cường cho toán biệt kích Europa, đêm 10 tháng Tám “Chúng tôi đang bay theo hướng tây bắc, bãi thả dù nằm song song về phiá đông (bên phải)” viên phi công chính Taiwan kể lại “chuyên viên vô tuyến của chúng tôi bắt được nhiều tín hiệu radar yếu ớt từ khoảng cách xa, gần bãi thả dù. Nhưng chúng tôi không cho đó là lý do để hủy bỏ chuyến thả dù” Chiếc phi cơ C-123 tiếp tục bay rồi rẽ vào bãi thả dù. Giây phút sau, viên phi công Taiwan nhìn thấy dấu hiệu thắp sáng hình chũ ‘T’ dưới mặt đất.

        Khoảng 10 giây sau khi nhìn thấy dấu hiệu chhữ ‘T’ thắp sáng dưới đất, rồi chuyên viên điện tử la lớn “Súng phòng không có radar hướng dẫn: hướng 12 giờ… một phần 30… hướng ba giờ…” Viên đạn đầu tiên nổ dưới thân phi cơ, viên thứ hai nổ gần cánh bên trái, những tia sáng đạn lửa bay xẹt ngang trước kính phi cơ, mùi thuốc súng tràn ngập buồng lái.

        May mắn thay chuyên viên điện tử đã phá rối làn sóng radar nên các ổ súng phòng không bắn không trúng chiếc phi cơ C-123. Về đến Tân Sơn Nhất, phi công cùng phi hành đoàn Taiwan vẫn còn run (rẩy). Viên phi công chính xin nghỉ việc, leo lên chuyến bay sớm nhất về Taiwan.

Vũ Đình Hiếu Dallas 

No comments:

Post a Comment

TOÁN NGƯỜI NHÁI VULCAN

         Khi ánh mặt trời nhô lên cao trong vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin), đoàn tầu đánh cá ngư dân miền bắc, túa ra biển đông, ánh sáng phản...